HỘP THƠ
LÊ DINH:

C.P. 99051
Succursale Fatima
Longueuil, Quebec (Canada)
J4G 2S6
Tel: 450 442-3292
Fax: 450 442-2962
[email protected]



Tác Giả

Duy Khiêm


 






Duy Khiêm



     Thời gian gần đây, những tác phẩm DVD của Trung Tâm Asia đã được thật nhiều khán giả khắp nơi chờ đợi, đón nhận và thưởng thức một cách rất nhiệt tình. Nhiều gia đình với ba thế hệ sinh hoạt gần gũi bên nhau, đã trân trọng gìn giữ các DVD này như những tài sản âm nhạc thật quí giá của dòng nhạc vàng tưởng đâu đã phai mờ dần theo năm tháng lưu vong nơi xứ người. Tiếp theo sự thành công vượt bực của Asia 50 và 51, chương trình Asia 52 với chủ đề “Huyền Thoại Lê Minh Bằng” cũng là một DVD được nhiều khán giả mong đợi từ hơn hai tháng nay (kể từ sau buổi trực tiếp thu hình ngày 26.8.2006 tại Houston, Texas).
     Chương trình hôm nay chỉ giới thiệu 35 bài hát tiêu biểu của nhóm Lê Minh Bằng xoay quanh ba chủ đề chính yếu là:
     - Những tình khúc thời chinh chiến ở VN (1954-1975).
     - Quê hương trong kỷ niệm qua các địa danh thân quen.
     - Tình yêu đôi lứa qua mọi thời kỳ và ở mọi nơi.
     Bài hát “Đêm Nguyện Cầu”: Khi tấm màn nhung được kéo ra, âm thanh và ánh sáng đổi thay liên tục với những màn khói trắng tỏa lên khắp nơi trong hoạt cảnh đầu tiên của chương trình. Những âm thanh của súng đạn, trực thăng ầm ầm, khói bom nghi ngút như là một đoạn phim ảnh Hollywood với những xảo thuật tân kỳ của phim trường liền thu hút sự chú ý của mọi người. Sau đó, khán giả đã thật sự xúc động khi nhìn thấy Thanh Lan trong trang phục màu đen của một nữ tu Công giáo đang chắp tay cầu nguyện, làm dấu thánh giá và nức nở với những lời ca tha thiết: “Thượng Đế hỡi, có thấu cho Việt Nam này... Nhiều sóng gió... trôi dạt lâu dài... Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn... Thượng đế hỡi, hãy lắng nghe người dân hiền... Buồn gục đầu nghẹn ngào... Nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu...”.
     Cả một khung trời quê hương đất nước ngày xưa trong thời chinh chiến bỗng dưng hiện ra trước mắt mọi người. Những âm thanh, hình ảnh và màu sắc thật sống động như minh họa cho sự tưởng tượng của những bạn trẻ được chào đời sau khi chiến tranh kết thúc, về những kinh nghiệm máu xương của cha ông mình thuở trước. Ngôi thánh đường đổ nát với nhiều người dân chạy loạn nằm la liệt trước sân. Những cô gái trẻ, ông già bà lão, phụ nữ, trẻ thơ đang quay cuồng trong hoạt cảnh khá đau thương này. Ánh sáng có lúc vàng rực, có lúc đỏ thẫm, có lúc xám ngắt chói chang thay đổi nhiều lần liên tiếp trên sân khấu càng tăng vẻ bi thương, tang tóc thêm lên. Ôi, nỗi “buồn gục đầu nghẹn ngào” của biết bao nhiêu triệu người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ khác nhau lại được khơi dậy nơi đây.
     Vì “Đêm Nguyện Cầu” là bài hát tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ba nhạc sĩ LMB, nên ở cuối chương trình này, tất cả các nghệ sĩ góp mặt trong đại nhạc hội lại cùng nhau, mỗi người một câu cất vang tiếng hát, cùng cầu nguyện cho quê hương, đất nước và cả thế giới mau chấm dứt chiến tranh, quên hết oán thù, chung sống hòa bình với nhau... như lời kêu gọi của MC Nam Lộc: “Xin quý vị hãy cùng chúng tôi dâng lên lời nguyện cầu để mọi người đều được sống bình yên và tận hưởng những gì cao quí nhất mà Thượng Đế đã ban cho: Đó là Nhân Quyền, Tự Do, Công Lý và Hòa Bình qua nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” của LMB...”
     “Hãy lắng tiếng nói... vang trong tâm hồn mình... người ơi... Con tin chân chính... không bao giờ biết đến... nói dối... Thượng Đế hỡi... hãy lắng nghe người dân hiền... Vì đất nước... đang còn ưu phiền... Còn tiếng khóc... đi vào đêm trường triền miên... Rưng rưng tôi chắp tay... nghe hồn khóc đến rướm máu... Quê hương non nước tôi... ai gây hận thù tội tình... Nhà Việt Nam yêu dấu ơi... bao giờ thanh bình...?”.
     Một kết thúc thật đặc sắc và cũng vô cùng cảm động dành cho tất cả khán giả khắp nơi và các nghệ sĩ cùng góp sức cho chương trình này. Hình ảnh Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sừng sững hiện ra ngay giữa sân khấu lại càng gây cảm xúc cho biết bao nhiêu thân nhân bè bạn khắp nơi đã từng một thời sát cánh bên nhau chiến đấu cho tự do, dân chủ.
     Trở lại với hoạt cảnh mở màn, sau khi Thanh Lan và Trung Chỉnh cầu nguyện cho quê hương đất nước được an bình, bài hát tiếp nối là “Nó” diễn tả những mất mát, cô đơn và nỗi khốn khổ của những đứa trẻ mồ côi trong thời chiến. Ngày xưa Chế Linh đã hát bài hát này hàng trăm lần mô tả rất trung thực cảnh đời ở những kẻ sống bên lề xã hội ở miền Nam Việt Nam vào thời chinh chiến. Vậy mà không thể ngờ được là sau hơn 30 năm ngưng tiếng súng trên quê nhà, những đứa trẻ hẩm hiu lại chịu chung số kiếp đọa đày cơ cực ngay trên chính thủ đô ngàn năm văn vật, qua video-clips phỏng vấn những trẻ em bụi đời ở Hà Nội. Những đứa trẻ đánh giày, bán báo này và những người dân miền Bắc lưu lạc tận bên Nga vẫn còn thuộc nằm lòng từng câu hát của Lê Minh Bằng là điều ít ai ngờ tới.
     Cùng với sự hòa âm của ban nhạc để diễn tả những âm thanh réo rắt thê lương là những động tác phụ họa của các diễn viên nam nữ. Khán giả thật sự xúc động khi nhìn thấy những đứa trẻ lang thang đi tìm cha và quỳ bên xác mẹ trong khung cảnh hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Hai đứa trẻ mồ côi sống bơ vơ, rồi tương lai của chúng sẽ là những ngày lạc loài trong các con hẻm nhỏ ở đô thành. Ca sĩ Chế Linh đang quỳ bên đứa trẻ đang ôm lấy chân ông mà cất tiếng hát với những lời ca thật não nề: "Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo..."
     Tiếp nối với những lời ca này là hình ảnh một ông già lom khom tìm kiếm những sự mất mát trong chiến tranh, tang tóc với đôi mắt ngơ ngác lạc thần qua những âm thanh súng đạn vang dội xung quanh.
     "Một ông già bạc đầu, trong bóng tối lao đao... Dường như giọt lệ sầu rơi xuống má nhăn nheo... Từng tiếng run thều thào... Ông quỳ lên làm dấu, xin Thượng Đế trên cao... cho người biết thương nhau... Hồn ông đầy nghẹn ngào, thương kiếp sống gian lao. Nửa đêm nhìn đường tàu... hun hút buốt cô liêu. Nhìn mái tranh sơ nghèo... Ông quỳ lên làm dấu, xin Thương Đế trên cao... cho đời bớt thương đau".
     Đột nhiên, trên màn hình của tivi có hai khuôn mặt trẻ thơ của hai em bé đang ngước nhìn lên cao với những giọt nước mắt long lanh, như van nài Thượng Đế ngó xuống xót thương. Đây là hình ảnh được chọn cận ảnh (zoom) của một tíc tắc đồng hồ đã được một trong bảy cái máy quay phim trực tiếp thu hình ghi lại và được edit (cắt ráp) thật là đúng lúc ở câu hát này. Có thể nói hơn sáu ngàn khán giả hiện diện ở hai xuất hát live-shows sẽ không thấy được chi tiết nhỏ bé này, nhưng bây giờ mọi người ở nhà xem DVD lại được thấy rõ cảnh hai em bé đang rơi nước mắt trong vẻ lo âu sợ sệt. Chắc chắn, khi xem DVD này lần đầu, nhiều người sẽ không ngăn được xúc động dâng trào như hai em bé thơ kia. Chỉ với một chi tiết nhỏ nhoi này, cũng đủ tạo thêm thật nhiều sâu sắc cho liên khúc mở màn, cho thấy ngoài tài nghệ diễn xuất của các nghệ sĩ tí hon, đạo diễn sân khấu, kỹ thuật cắt ráp và chọn lựa hình ảnh cho DVD thật vô cùng quan trọng.
     Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến: Gần phân nửa những sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng là những tình khúc thời chinh chiến. Điều này cũng dễ hiểu mà thôi, vì thời gian hoạt động của nhóm LMB là thời điểm chiến tranh ở Việt Nam đang lên đến cao độ với hơn một triệu quân nhân trong quân lực VNCH và nửa triệu quân đội đồng minh tham chiến để ngăn chặn làn sóng đỏ. Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng vì cuộc chiến tranh tàn khốc này. Từ thành thị đến thôn quê, những cảnh chia tay nhau ở mái trường để giã “Biệt Kinh Kỳ”, “Những Đêm Chờ Sáng” của “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương”, những người bạn gặp nhau vội vã qua “Ly Cà Phê Cuối Cùng” hoặc những lần về phép ở “Sài Gòn Thứ Bảy” rồi chia tay nhau, để người yêu nhỏ bé phải trông ngóng suốt “Hai Mùa Mưa”... Những “Đám Cưới Nhà Binh” thật đơn sơ, nhưng cũng thật vui vẻ hạnh phúc với những người bạn thân trong tình chiến hữu “Huynh Đệ Chi Binh”... Những bài hát quen thuộc của một thời chinh chiến ngày nào, được trình bày lại nơi đây qua các giọng hát của nhiều thế hệ nối tiếp với nhau.
     Thật quá xúc động khi nghe ca sĩ Thanh Phong thuật lại những mất mát chia lìa của người bạn thân là ca sĩ Duy Mỹ trong nhóm tam ca Sao Băng ngày xưa. Giờ đây mỗi người mỗi ngã, Phương Đại thì không may khi bị biến chứng mạnh máu não từ gần 20 năm qua, nên nói năng đi đứng khó khăn. Cả ba ca sĩ này là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức, tức là học cùng thầy với Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Trường Thanh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc trước năm 1975 và sau này là Phương Diễm Hạnh (được nhạc sĩ Nguyễn Đức đào tạo ở Canada). Bài hát “Ly Cà Phê Cuối Cùng” gắn liền với tên tuổi của ban Sao Băng lại được thế hệ tiếp nối hát lên là ba ca sĩ trẻ Tường Nguyên, Tường Khuê, và Duy Trường (tức Quốc Dũng) trong binh phục Hải, Lục, Không quân thật sống động, mà cũng thật hào hùng như hình ảnh ban tam ca Sao Băng 40 năm về trước. Nhứt là ca sĩ Thanh Phong vẫn còn giữ vững phong độ ngày xưa sau một thời gian dài vắng bóng. Cảnh quán cà phê ở Sài Gòn ngày xưa nhộn nhịp gái trai cũng thật nên thơ. Một tiết mục rất thành công.
     Vẫn với dáng dấp oai hùng và khuôn mặt rất tươi trẻ, pha chút u buồn, Philip Huy đã diễn tả bài hát “Những Đêm Chờ Sáng” bên một diễn viên phụ đóng vai người vợ trẻ. Một bài hát thật buồn cho đêm giã từ nhau của hai vợ chồng trẻ tuổi. Anh chàng quân nhân cứ nói “ngủ đi em, ngủ đi em...” nhưng người vợ trẻ không sao ngủ được, trằn trọc trước những giờ phút chia tay bịn rịn, nên anh lại than “sao em không nói một lời nào?”, nghe ra tuy buồn nhưng lại hơi ngồ ngộ. Trần Thiện Thanh Toàn tiếp theo liên khúc với bài hát từng nổi tiếng rất lâu đã được cha của anh hát không biết bao nhiêu lần là “Biệt Kinh Kỳ”. Với giọng hát và khuôn mặt rất giống ca nhạc sĩ Nhật Trường (tuy không được đẹp trai bằng), nên Thanh Toàn đã khiến chúng ta nhớ lại thật nhiều những kỷ niệm xưa của những chàng trẻ tuổi giã biệt phố phường khoác ba lô lên đường ra chiến tuyến. Ngoài việc ca hát và sáng tác nhạc, Thanh Toàn (tức Trần Thiện Anh Chương, Nhật Chương) cũng làm việc ở đài phát thanh, chuyển âm phim tập, thu thanh các băng đọc truyện và cộng tác thường xuyên với đài truyền hình SBTN trong những phóng sự cộng đồng, nên anh rất là bận rộn. Hoạt cảnh được kết thúc thật hay lạ với những vòng hoa chiến thắng của các nữ sinh trao tặng.
     “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương” cũng là một bài hát nổi tiếng khác của nhóm Lê Minh Bằng. Ngày xưa bài hát này thường được ca sĩ Hoàng Oanh và Trung Chỉnh song ca trên đài phát thanh Sài Gòn và thâu vào dĩa nhựa. Trong chương trình này, khán giả được nghe hai tiếng hát trẻ là Y Phụng và Mạnh Đình trình bày rất truyền cảm với âm sắc thật trong trẻo, dễ thương. Những diễn viên phụ họa cũng thật vui vẻ, linh động chung quanh sân khấu. Từng là một tài tử điện ảnh chuyên nghiệp, nên Y Phụng đã diễn xuất thật tình tứ bên cạnh Mạnh Đình bằng những điệu bộ như nép sát vào mình nhau, ngả đầu vào vai và ánh mắt nhìn nhau vô cùng quyến rủ. Là con gái của hai nghệ sĩ cải lương Minh Phụng và Kiều Tiên, Y Phụng lại không theo nghiệp của cha như người chị cùng cha khác mẹ là Tiểu Phụng, mà lại chọn hát tân nhạc và đóng phim. Kể từ lúc theo chồng qua Mỹ và xuất hiện trên Asia hơn một năm nay, càng lúc Y Phụng càng được nhiều khán giả ái mộ thêm lên và cô cùng Mạnh Đình sẽ xuất hiện thêm một lần nữa ở liên khúc “Chuyện Hoa Sim” trong chương trình này.
     Tình cảm của người chiến binh ngoài tiền tuyến trở về phép viếng thăm thủ đô Sài Gòn trong khung cảnh rực rỡ ánh đèn phố thị qua sự diễn tả của Nay Dũng, một khám phá mới của Trung Tâm Asia. Năm nay vừa tròn 25 tuổi, sinh ra ở Pleiku và đã định cư ở Dallas, Texas từ năm 2000, Nay Dũng chỉ hát giúp vui ở địa phương, nên ít người biết đến. Nhưng qua bài hát “Sài Gòn Thứ Bảy” khán giả sẽ nhận thấy giọng ca này rất có triển vọng tiến xa hơn. Lần đầu tiên gặp Nay Dũng ở chương trình này, danh ca Chế Linh đã rất xúc động và ngạc nhiên, vì không ngờ có một chàng thanh niên sắc tộc thiểu số từ miền cao nguyên Việt Nam đã có năng khiếu ca hát, mà chưa lần nào nghe nói tới. Hỏi thăm ra thì Nay Dũng là người dân tộc Ra-đê (mẹ là dân Kho-mu), và là cháu của ông Nay Rhết, Bộ trưởng Bộ Sắc Tộc Sự Vụ trong chính phủ VNCH trước năm 1975. Chế Linh liền đối thoại tiếng Chàm, pha tiếng Ra-đê với Nay Dũng. Nên cả hai ca sĩ này nhanh chóng thân nhau và Chế Linh hứa có dịp sẽ giúp thêm cho Nay Dũng phần luyện giọng và sáng tác để tiến bộ thêm. (Chế Linh hiện cũng là thành viên tích cực trong ban chấp hành Hội Bảo Vệ Văn Hóa Chàm hải ngoại). Vì mới xuất hiện lần đầu tiên trước hàng ngàn khán giả trên sân khấu Asia, nên cử chỉ và điệu bộ của Nay Dũng chưa được tự nhiên cho lắm, và giọng hát còn chưa đủ mạnh để tạo sự chú ý cho người nghe. Anh còn cần phải luyện tập thêm thật nhiều trong thời gian sắp tới.
     Ở đây, hoạt cảnh “Sài Gòn Thứ Bảy” nhộn nhịp với trai thanh gái lịch dạo chơi phố phường. Chiếc xe vespa, chiếc xe lam và tượng đài Trần Nguyên Hãn nơi bùng binh trước chợ Bến Thành sừng sững ở phía sau với những diễn viên phụ chung quanh các hàng quà bánh đã gợi cho chúng ta thật nhiều kỷ niệm ở quê nhà ngày trước. Đó là Sài Gòn với những cơn mưa bất chợt, làm cho nhiều đôi thanh niên nam nữ đang rão bước, vội vã tạt vào hè phố trốn mưa. Những người bán hàng rong cũng chạy túa ra nhiều phía để tìm nơi ẩn nấp. Trời mưa ào ào trút xuống bằng những âm thanh và ánh sáng đổi thay trên sân khấu thật sống động.
     Gây chú ý nhứt là khi cảnh chiếc xích-lô quen thuộc của đô thành Sài Gòn, chầm chậm chở ca sĩ trẻ Băng Tâm ra trước sân khấu. Giọng hát trầm buồn của Băng Tâm đã đưa người nghe trở lại với miền Nam Việt Nam hai mùa mưa nắng, với những kỷ niệm khó quên của hai người bạn trẻ. "Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi. Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi. Tách cà phê ấm môi, Mình ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa qua mất rồi..."
     Ngày xưa, ca sĩ Trang Mỹ Dung được đào tạo từ lớp nhạc Lê Minh Bằng đã gắn liền tên tuổi của cô với bài hát này và chân dung của cô được in thật đẹp trên các bìa bản nhạc và dĩa nhạc. Vậy mà sau 40 mươi năm, qua đoạn video-clip phỏng vấn, khó có thể nhớ lại những nét ngây thơ, u buồn của Trang Mỹ Dung thời trước. Trường hợp Mạnh Quỳnh và Giang Tử cũng vậy. Ôi thời gian, sao tàn phá nhan sắc của những nghệ sĩ tài danh này không chút xót thương.
     Ở bài hát này, Băng Tâm đã trang điểm rất xinh tươi trong một kiểu tóc mới thật thích hợp với khuôn mặt trẻ trung của cô. Chiếc áo dài chấm gót được hình thành dường như pha trộn tà áo dài “xường-xám” của Trung Hoa càng làm tăng lên nét đài trang, quý phái của một thiếu nữ trẻ ở Sài Gòn cách đây gần 40 năm. Đó không phải là dáng dấp thơ ngây của một nữ sinh, cũng không phải nét sang trọng của một tiểu thơ con nhà giàu. Ở đây Băng Tâm có nét thùy mị của một thiếu nữ con nhà trung lưu. Không quá bình dân, không quá nghèo nàn nhưng giản dị vừa phải khi cô ngồi trên chiếc xích-lô đạp để đến điểm hẹn với người bạn trai. Một giây phút thật cảm động khi ống kính thu hình cho thấy cái gật đầu cám ơn của Băng Tâm dành cho bác phu xe xích lô đang đở nhẹ chiếc dù che mưa. Sau đó là cảnh cô khoan thai bước xuống hè phố để tiếp tục những lời ca khi cơn mưa vừa chợt dứt: "Hai đứa vui, chưa vơi tâm sự... hôm sau anh lên đường. Tôi tiễn anh, như bao anh hùng... hiên ngang ra sa trường. Vì yêu quê hương... anh lặng lẽ bước chân đi. Vì thương non sông... tôi gạt nước mắt phân ly. Từng cơn mưa... vẫn rơi não nề. Anh nói... một năm nữa anh về... Mùa mưa lại đến... tôi mừng vui đón tin anh..."
     Cô vẫn ngóng tin người bạn thân nơi từng hò hẹn, nhưng chưa được gặp nhau, nên ánh mắt vẫn đượm nét u buồn. Một tiết mục rất thành công và làm nhớ thật nhiều khung cảnh Sài Gòn ngày cũ. Chỉ tiếc là bài hát này ngắn quá vì Băng Tâm phải hát chung liên khúc với anh chàng Nay Dũng để hổ trợ tinh thần thêm cho anh ta khi cả hai cùng nắm tay nhau chào từ biệt khán giả.
     Trước đây gần bốn chục năm, đôi song ca Hùng Cường, Mai Lệ Huyền được coi như một cặp “sóng thần” không có đối thủ trên các sân khấu đại nhạc hội ở miền Nam VN. Một trong những bài hát rất nổi tiếng do họ trình bày nhiều lần là “Đám Cưới Nhà Binh”. Hôm nay ở hải ngoại, thế hệ trẻ tiếp nối làm sống lại những cảnh vui nhộn cái đám cưới của người lính ngày xưa qua phần trình diễn của ban tứ ca Asia 4 và ca sĩ trẻ rất được ưa thích của Trung tâm Asia là Ánh Minh. Hoạt cảnh này thật sống động, tươi vui làm thay đổi không khí của chương trình. Khán giả đã thấy sự tiến bộ rõ rệt của ban tứ ca Asia 4 lần này, tuy chỉ có hai thành viên hát tiếng Việt. Họ mặc lễ phục màu trắng trông thật đẹp bên canh các vũ công phụ họa. Nhưng xuất sắc nhất vẫn là Ánh Minh với giọng hát khá đặc biệt và phát âm tiếng Việt rất rành. Trang phục của cô cũng rất đẹp và hấp dẫn. Những màn liệng Ánh Minh lên cao, chụp bắt và bồng lên xe tạo hồi hộp và thích thú cho khán giả. Tiết mục này rất thành công và đặc sắc, nếu so với cùng bài hát này do Philip Huy và Phương Nghi song ca ở Asia 36 “Người Lính” trước kia.
     Trong những bài hát viết về lính của chương trình LMB hôm nay, có một bài hát thật đặc biệt tưởng chừng đã bị nhiều người lãng quên từ sau ngày mất nước, tan hàng. Đó là bài “Huynh Đệ Chi Binh”. Có thể nói quân nhân VNCH nào cũng thuộc nằm lòng bài hát này nhưng ít ai biết tên tác giả. Nhạc sĩ Anh Bằng đã kể lại nguyên do khiến ông sáng tác bài này như một lời kêu gọi những chiến hữu hãy đoàn kết lại với nhau sau những xáo trộn của chính trường miền Nam. Mai Lệ Huyền vẫn luôn luôn giữ vững phong độ trẻ trung, sống động, vui nhộn trên sân khấu với các diễn viên phụ chung quanh. Đặc biệt là ca sĩ trẻ Chosen đã phụ họa bằng những lời Rap tiếng Mỹ làm cho bài hát trở nên mới mẻ. Đây cũng là một tiết mục khá hay và cần thiết để cho thấy một lối sáng tạo cách trình diễn khác lạ của Asia để cho giới trẻ có thể thưởng thức nét độc đáo của bài hát này.
     Những ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng ở VN: Điểm đặc biệt của nhóm Lê Minh Bằng là ba người nhạc sĩ này được sinh ra và trưởng thành ở ba miền Nam, Trung, Bắc của đất nước VN, nên trong các bài hát của họ, chủ đề ngợi ca quê hương, những miền đất họ từng sinh sống cũng chiếm gần 30% các sáng tác với những bài hát tiêu biểu nhất được trình diễn ở Asia 52 này.
     Có thể nói từ 50 năm nay, lúc nào cũng có người hát “Nỗi Lòng Người Đi” của nhạc sĩ Anh Bằng. Ở trong nước, bài hát này đã bị cấm hát từ 30 năm nay cũng như tất cả những bài khác của nhóm Lê Minh Bằng. Thật ngạc nhiên khi thấy Giang Tử vẫn hát “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu” trong một phòng trà cho khách thưởng thức với tấm lòng hoài niệm quá khứ êm đẹp ngày nào. Hôm nay Vũ Khanh lại diễn tả thật xuất sắc bài hát này bằng giọng hát thật ấm của anh. Đây cũng là một trong những bài hát đầu tiên mà Vũ Khanh chọn thu vào băng tape khi vừa chập chững bước vào sân khấu hải ngoại cách đây hơn 20 năm. Một trong những kỷ niệm của tình yêu đầu đời của nhạc sĩ Anh Bằng, khi ông di cư vào Nam năm 1954, giã biệt người yêu bé nhỏ ở lại đất Bắc, với hy vọng hai năm sau sẽ gặp lại nhau. Nhưng định mạng trớ trêu, đã khiến cho hai người vĩnh viễn chia lìa, khi cô từ trần sau một cơn bạo bệnh. Để mãi mãi người nhạc sĩ vẫn nhớ thương cảnh cũ, người xưa mà than thở qua tiếng hát Vũ Khanh: “Hà Nội ơi, biết ngày nào gặp nhau...? Thăng Long ơi, năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời... Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ...”







     Với tâm hồn rất nhạy cảm mà cũng đa tình, đa cảm của ba nhạc sĩ này mà khán giả được thưởng thức thêm nhiều ca khúc khác thật hay và bất hủ trong dòng nhạc Lê Minh Bằng là Đà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Đất Lạnh, Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyến Tàu Hoàng Hôn qua những tiếng hát thành danh từ bốn chục năm qua mà vẫn còn vững vàng điêu luyện như Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Anh Khoa. Những màu sắc hài hòa trên sân khấu, những trang phục cắt may thật khéo cho ca sĩ, những vũ công phụ họa trẻ trung làm cho những tiết mục này thật phong phú và không nhàm chán vì hai ca sĩ hát chung hai bài hát như cách thức sắp xếp của Asia. Nhưng lần này không phải hai thế hệ trước sau, mà là đồng nghiệp cùng thời. Trường hợp Vũ Khanh và Kim Anh hát chung hai bài hát này cũng vậy. Có lẽ bài “Nếu Vắng Anh” mà để cho thế hệ ca sĩ trẻ hơn Kim Anh hát (như Diễm Liên, Thiên Kim) thì có vẻ phù hợp với dáng dấp nữ sinh nhiều hơn theo như nội dung bài hát.
     Nhạc sĩ Minh Kỳ tuy mang trong mình dòng máu hoàng tộc, nhưng sinh trưởng ở Nha Trang, nên ông đã gởi gắm rất nhiều kỷ niệm ở bài “Nha Trang” do Hà Thanh và vợ chồng Phương Thảo-Ngọc Lễ trình bày. Ca sĩ nổi tiếng một thời là Hà Thanh trở lại với chương trình của Asia sau một thời gian dài vắng bóng gần 10 năm kể từ cuồn video Asia 15 “Tình Ca Anh Bằng”. Nhưng ở Asia 15, cô chỉ dành riêng cho Việt Dzũng vài phút phỏng vấn ngắn ngủi để nói về những kỷ niệm với nhạc sĩ Anh Bằng và giới thiệu bài hát “Nếu Vắng Anh” mà cô đã hát rất nhiều lần. Trong chương trình đó, Hà Thanh không hát bài nào cả (chỉ là khách mời danh dự mà thôi). Sinh ra ở Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, lớn lên bên dòng Bến Ngự đường Huyền Trân Công Chúa, cô Trần Thị Lục Hà đã thích ca hát từ thuở nhỏ. Năm 1955 cô trúng giải nhứt cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Huế khi vừa tròn 16 tuổi với bài hát “Dòng Sông Xanh” cũng trùng hợp thật lạ lùng với nghệ danh “Hà Thanh” của cô vừa mới chọn. Vừa đi học, vừa hát trên đài phát thanh Huế cho đến năm 1965 là năm cô Hà Thanh vào Sài Gòn sinh sống và thu thanh cho nhiều hãng dĩa hát với những bài ca của nhóm Lê Minh Bằng và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác. Năm 1970, cô lập gia đình với Trung Tá Bùi Thế Dung, Thiết Đoàn Trưởng trong binh chủng Thiết Giáp của Quân Lực VNCH. Năm 1975 phu quân của Hà Thanh bị tù đày cải tạo đúng 13 năm trời. Lúc đó Hà Thanh đã chay tịnh cầu an và ngưng tiếng hát suốt 10 năm. Điểm đặc biệt ở Hà Thanh là cô không bao giờ trình diễn ở các phòng trà và vũ trường thời trước năm 1975.
     Đến năm 1984, Hà Thanh và đứa con gái duy nhứt đã được gia đình bảo lãnh sang định cư ở miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990 hai vợ chồng cô lại được đoàn tụ trên đất Mỹ, nhưng chỉ chung sống được hai năm thì lại chia tay nhau trong ngang trái. Niềm hạnh phúc riêng tư của Hà Thanh thật quá mong manh, nhưng giọng hát của cô thì vẫn ngọt ngào trầm bổng, êm dịu như tiếng thùy dương, với sóng biển êm đềm pha chút âm điệu tiếng Huế của đất thần kinh. Năm 1995 cô có thu và phát hành một CD tựa đề “Hải Ngoại Thương Ca” với nhiều bài hát về xứ Huế, rồi âm thầm mai danh ẩn tích. Tuy ở hải ngoại cô ít đi lưu diễn, nhưng giọng hát của cô vẫn còn nguyên phong độ trước kia. Riêng thế hệ trẻ Phương Thảo-Ngọc Lễ cũng rất thành công trong bài hát trầm buồn này, phụ họa bằng ánh sáng màu xanh lam, làn khói mờ và những vũ công lượn quanh thật nhẹ nhàng quyến rũ như những làn sóng biển. Một tiết mục thật hay với sự góp mặt thật bất ngờ và quý giá của tài danh Hà Thanh.
     Hôm nay, Ngọc Hạ tuy không phải là người Huế chánh tông như Hà Thanh, nhưng cô đã diễn tả “Mưa Trên Phố Huế” bằng giọng hát thật mạnh mẽ của cô, với kỹ thuật rất là điêu luyện qua lối hòa âm lần này của Trúc Sinh. Ngọc Hạ tên thật là Nguyễn Kim Tuyến, sanh ngày 20.12.1980 tại Đà Nẳng. Cùng mẹ vào Đồng Nai năm 6 tuổi. Bắt đầu học thanh nhạc ở Sài Gòn năm 15 tuổi và đã đoạt khoảng 15 giải thưởng ca nhạc khác nhau ở những lần tranh tài. Được anh trai bảo lãnh qua Mỹ từ năm 2000, một năm sau thì khởi sự cộng tác với Thúy Nga. Nhưng kể từ khi cộng tác với Asia ở chương trình số 49, càng lúc tài nghệ của Ngọc Hạ càng tiến triển thêm lên. Đó là nhờ những bài hát chọn lựa thích hợp và lối hòa âm, cách trình diễn. Trong “Mưa Trên Phố Huế” này ngoài những vũ công với những điệu múa ảnh hưởng thời vàng son của triều đình vua chúa ngày xưa, dàn nhạc phụ họa bằng những tiếng trống đổ liên hồi, với âm thanh của những nhạc khí cổ truyền. Thêm một đoạn video clip ngắn quay cảnh nghệ nhân đang hát trên đò ở Huế. Tất cả đã tạo nên một sự thành công và gây thật nhiều sự chú ý ở bài hát này. một tiết mục thật đặc sắc và nổi bật của chương trình này.
     Nếu nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác Hà Tiên trong xúc cảm sau những lần ông viếng thăm thắng cảnh này, thì Ngọc Huyền cũng có rất nhiều kỷ niệm khó quên trong những lần lưu diễn nơi đây. Kỷ niệm ấy đậm đà ghi khắc trong tim cho đến nỗi vài năm trước đây, khi sinh đứa con gái đầu tiên trên đất Mỹ (tức cháu nội của ca sĩ Thanh Tuyền), Ngọc Huyền đã chọn tên “Đặng thị Hà Tiên” đặt cho đứa con. Với những cảnh trong đoạn phim phóng sự và những lời dẫn phụ họa, khán giả hải ngoại lại nhớ thật nhiều về thắng tích này. Giọng hát của Ngọc Huyền cao vút, thật thích hợp với giai điệu trầm bổng ảnh hưởng của cổ nhạc miền Nam trong bài “Hà Tiên”. Những vũ công xinh đẹp và cảnh bờ biển nên thơ của miền Hà Tiên làm cho bài hát này thành công hơn và cũng là một sự vinh danh đầy ý nghĩa cho nhạc sĩ Lê Dinh. Lần sắp đặt cảnh trí này làm cho bài hát thật khác biệt và mới lạ so với lần Thanh Tuyền trình diễn trước kia.
     Tình yêu đôi lứa qua mọi thời kỳ: Những bài hát chuyên về tình yêu đôi lứa, tình yêu trai gái của ba nhạc sĩ Lê Minh Bằng rất nhiều và rải rác khắp nơi suốt quãng thời gian 50 năm sáng tác. Trong chương trình hôm nay, Doanh Doanh và Dalena đã trình diễn rất thành công bài hát “Bóng Đêm” của Lê Dinh và Anh Bằng hợp soạn từ năm 1963 mà sau này ít có ai hát lại, có lẽ vì bài hát đã lạc mất từ lâu không thấy in lại trong các tuyển tập nhạc sau này ở hải ngoại. Lời ca thật nhẹ nhàng, rất thích hợp với lứa tuổi hai mươi đầy mơ mộng của Doanh Doanh và giọng hát của cô ca sĩ này hôm nay hoàn toàn êm ái, quyến rũ theo từng dòng nhạc rất du dương trong ánh sáng huyền ảo, khói sương của sân khấu một màu xanh thẳm của một đêm đầy sao trên bầu trời. "Em viết thư xanh gửi tới một người. Từ khi xa cách lòng nhớ không nguôi. Em đã viết tên anh vào áo gối. Đêm đêm riêng bóng đèn soi. Lòng thầm nguyện ước thành đôi..."

     Cô ca sĩ người Mỹ Dalena thì vẫn luôn luôn điêu luyện cả về kỹ thuật ca hát lẫn cách phát âm tiếng Việt của cô. Với mái tóc vàng óng ả và mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, Dalena đã làm cho bài hát thêm phần thơ mộng, nhưng tiếc là cô chỉ hát một đoạn sau của bài hát mà thôi. "Lá chết mấy mùa, tình em vẫn đợi chờ. Chờ anh trên bến yên vui đầm ấm. Nhiều đêm mơ bóng người (mà) em thương. Quay gót về quê hương... vui sống trong tình thương..."
     Trước kia, bài hát “Lần Đầu Cũng Là Lần Cuối” thường được Elvis Phương và Thái Châu đơn ca rất truyền cảm. Hôm nay qua sự trình diễn của Don Hồ và Y Phương, bài hát này sống lại trong tâm trí mọi người với những nhớ thương ray rứt của những mối tình ngang trái. Y Phương và Don Hồ đã hát với tất cả tấm lòng, họ diễn tả từng lời ca bi thiết qua nét mặt và cử chỉ. Họ khổ sở bên nhau rất thật tình và rất bất ngờ là cảnh đạo diễn cho Don Hồ xách va-ly cất bước ra đi về hàng ghế khán giả (Anh đi về chớ không phải là “Em về đi” như lời bài hát). Một kết hợp song ca thật thành công.
     Trong niềm nhớ thương ray rứt với những tiếc nuối đau thương của những chuyện tình không trọn vẹn là “Tình Đời” do Thiên Kim trình diễn. Bài hát này được Thiên Kim hát với nét mặt trầm buồn và được phụ họa bằng hai giọng nam Lâm Nhật Tiến và Minh Thông. Đây cũng là một sáng kiến mới của Asia khi cho ba người cùng hát chung bài hát, mà trước kia thường được Thanh Thúy đơn ca. Ở đây tuy hát tam ca thì lạ, nhưng giọng hát chính yếu vẫn là Thiên Kim và một lần nữa bài hát rất tiêu biểu và nổi tiếng từ xưa của nhóm Lê Minh Bằng lại được diễn tả thật hay. Cũng như bài hát “Linh Hồn Tượng Đá” là bài hát được nhiều người nhắc nhở với một giai thoại thật đẹp và nên thơ lãng mạn của ba người con gái tên Mai, Bích, Dung. Không biết giờ đây ba người đẹp “huyền thoại” này đang ở đâu, còn sống hay đã mất. Nhưng đã hơn ba mươi năm trôi qua, bài hát vẫn là một kêu gào như những đợt sóng biển ngoài khơi Vũng Tàu. Hai ca sĩ Khải Tuấn và Minh thông đã trình bày “Linh Hồn Tượng Đá” với kỹ thuật rất điêu luyện như hòa mình vào bài hát một cách rất thành công. Tuy nhiên nếu có thêm một ca sĩ nữa thì đúng với lai lịch của bài hát này nhiều hơn (là ba nhạc sĩ làm quen với ba người đẹp trong một dịp tình cờ).
     Nói về thành công của nhóm Lê Minh Bằng trong những bài hát về tình yêu ngang trái thì không thể nào quên Lẻ Bóng, Sầu Lẻ Bóng, Đôi Bóng đã được rất nhiều ca sĩ hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần từ hơn bốn mươi năm nay với những lời ca như: “Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ. Mơ vui là lúc ngàn đáng cay xé tâm hồn... Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu... Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng. Đau thương từ lúc... vừa bước chân vào đường yêu...”
     Giờ đây Trúc Mai và Tuấn Vũ cùng hát chung với nhau liên khúc này thật tuyệt vời và rất thích hợp với giọng hát trữ tình của họ. Mọi người chú ý nhất là sự xuất hiện của danh ca Kim Loan đến từ Đức Quốc. Tuy nhiên, Kim Loan chỉ góp tiếng có một đoạn ngắn trong bài “Đôi Bóng” mà thôi, và cũng không trả lời phỏng vấn hay chia sẻ những kỷ niệm với nhóm LMB như vài ca sĩ kỳ cựu khác. Giọng hát của Kim Loan rất đặc biệt, khàn khàn và có nét đặc sắc riêng của cô mà sau này khó có người thay thế. Kim Loan đã hát: "Màu tím dần lan cuối trời. Hoàng hôn đã như tàn phai. Vầng trăng sáng lên trời, mình tôi đón sương rơi. Mà thương nhớ không bào giờ vơi... Người ơi, về bên mái nhà. Tìm vui khúc duyên tình ca. Lòng tôi ước mai sau, đẹp đôi bóng bên nhau. Chiều nay chắp tay tôi nguyện cầu... Cầu cho sông núi... hết cơn... sầu đau. Cầu cho đôi bóng... sống đời... với nhau..."
     Xuất thân từ ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, Kim Loan đã trình diễn từ năm lên 8 tuổi cùng thời và cùng thầy với Hoàng Oanh, Thanh Phong, Phương Đại, Duy Mỹ... trước cả Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc... sau này. Nhưng kỷ niệm đậm nét nhứt của Kim Loan với nhóm Lê Minh Bằng là ngày 8 tháng 8 năm 1966, khi cô ký hợp đồng với hãng dĩa Sóng Nhạc của nhóm LMB với bài hát đầu tiên được thâu thanh là “Căn Nhà Ngoại Ô”. Sau đó cô được ba nhạc sĩ này luyện giọng thêm và viết những bài hát dành riêng cho cô và đã làm cho cô nổi tiếng cách đây đúng 40 năm như Gõ Cửa, Chuyện Một Đêm, Nụ Hoa Chưa Nở, Bài Hát Để Tặng Anh, Nàng Áo Tím, Đôi Bóng... Ở chương trình hôm nay, khi nhìn video-clip chiếu lại hình bản nhạc Đêm Nguyện Cầu, mọi người sẽ thấy chân dung ca sĩ Kim Loan được in trên đó bên cạnh cái tựa bài hát.
     Danh vọng đang lên rất rực rỡ thì bỗng dưng Kim Loan biến mất trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn. Thì ra cô âm thầm rời Sài Gòn ngày 6.11.1969 qua Tây Đức du học. Đầu tiên cô học khoa Xã Hội Sư Phạm, chưa tốt nghiệp thì Kim Loan đã nhận được việc làm trong Bộ Xã Hội của chính phủ Đức. Đúng một năm sau, ngày 6.11.1970 làm đám cưới với một sinh viên y khoa tên là Minh khi cô vừa đúng 21 tuổi và cả hai vẫn sống hạnh phúc cho đến bây giờ. Sau đó cô vừa đi làm, vừa đi học thêm khoa Cosmotology và xin vào làm cho những mỹ viện của Đức. Cách đây 30 năm, Kim Loan đã mở cho mình một Thẩm Mỹ Viện riêng chuyên sửa sắc đẹp cho người Đức và người Việt khắp Âu châu, nên công việc rất bận rộn. Chồng của cô là Bác sĩ Minh, có phòng mạch khám bệnh riêng rất đông khách. Nên những năm sau này Kim Loan phải bớt việc ở phòng Thẩm Mỹ để dành thì giờ lo cho chồng con của cô.
     Trong chương trình Asia 48, ca sĩ Kim Loan chỉ xuất hiện trả lời phỏng vấn của Việt Dũng có vài phút với video clip của “Căn Nhà Ngoại Ô”, nhưng ở chương trình hôm nay, không hiểu sao Trung Tâm không dành cho cô một vài phút phỏng vấn để tâm tình với khán giả và cho cô có cơ hội kể lại nhiều kỷ niệm thật hiếm quý với nhóm LMB. Thật là đáng tiếc vì chưa chắc Kim Loan đã có dịp trở lại sân khấu này một lần nữa trong tương lai?
     Những bài hát phổ nhạc từ các bài thơ: Đã có lần nhạc sĩ Trúc Hồ nhận xét về khía cạnh kỹ thuật sáng tác nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng. Anh phân chia các bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng thành ba loại:
     - Những bài tình ca quê hương (âm điệu ảnh hưởng cổ nhạc Nam Phần).
     - Những bài nhạc phổ từ thơ (âm điệu ảnh hưởng dân ca miền Bắc).
     - Những bài nhạc trẻ (âm điệu trẻ trung của dòng nhạc Tây phương).







     Như vậy, có nghĩa là không phải nhạc sĩ Anh Bằng chỉ viết toàn nhạc tình cảm quê hương qua giai điệu boléro trầm buồn, mà ông cũng có những bài hát với giai điệu trẻ trung, sống động và vui tươi. Ở bài hát “Anh Cứ Hẹn” phổ từ thơ Hồ Dzếnh, được Sỹ Đan hòa âm và do bốn ca sĩ trẻ của Trung tâm Asia là Cardin, Trish, Dạ Nhật Yến và Thùy Hương trình bày rất là sống động, vui tươi. Bài hát này vừa là nhạc phổ thơ mà cũng vừa là nhạc trẻ. Tiết mục này làm thay đổi không khí sau liên khúc trầm buồn “Sầu lẻ bóng” của ba danh tài trước đó. Vì một bài hát ngắn mà cho bốn ca sĩ trẻ chuyên môn hát tiếng Anh, hát chung với nhau nên khó có dịp cho họ thi thố hết sở trường của từng người. Dĩ nhiên là Trish và Cardin là hai ca sĩ gặp khó khăn nhất. Kế đến là Thùy Hương, tuy cô được sanh ra ở Mỹ, nhưng sau này tiếng Việt của cô đã tiến bộ rất nhiều trong những chương trình gần đây. Dạ Nhật Yến qua Mỹ từ năm 4 tuổi, nhưng sở trường là chuyên hát nhạc Việt, nên cô cũng hát bài này rất là thoải mái. Nhóm tứ ca này với hình thức trẻ đẹp, duyên dáng của từng người nên đây cũng là một tiết mục được nhiều khán giả trẻ thích thú với phong cách trình diễn của những người cùng chung lứa tuổi với nhau.
     Có ít nhất là ba nhạc sĩ đã phổ thơ bài “Hoa Học Trò” của thi sĩ Nhất Tuấn (trong đó có Nhật Trường-Trần Thiện Thanh). Hôm nay Diễm Liên và Nguyên Khang lại chứng tỏ rằng họ là một đôi song ca thật thích hợp cho những giai điệu như “Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không” hoặc “Mai Tôi Đi” trước kia. Càng ngày giọng hát và kỹ thuật rung giọng của Nguyên Khang và Diễm Liên lại càng điêu luyện thêm lên. Cảnh Diễm Liên cầm đóa phượng vỹ đỏ thắm (miền Nam kêu là bông Điệp) với chiếc áo dài màu trắng mang nét nữ sinh của cô càng làm cho bài hát thêm phần ý nghĩa. Đó là tình yêu rất lãng mạn của tuổi học trò ngày trước, khó tìm được sau này nơi hải ngoại. Một tiết mục thật xuất sắc qua từng lời ca, điệu nhạc.
     Những bài hát được phổ từ thơ của nhạc sĩ Anh Bằng còn nhiều lắm, như Khúc Thụy Du, Trúc Đào, Hai sắc hoa Ti-gôn... Ra hải ngoại ông phổ thơ nhiều hơn hồi còn trong nước. Có khi phổ nhạc toàn bài thơ, có khi lấy ý vài câu thơ và soạn lời lại khác đi cho phù hợp với giai điệu bài hát. Nổi bật và tiêu biểu cho những bài phổ thơ này là “Chuyện Hoa Sim, Chuyện Giàn Thiên Lý, Chuyện Tình Hoa Trắng”.
     Khoảng thời gian từ năm 1989-1999 ở bên Việt Nam, đi khắp hang cùng ngõ hẻm nào cũng nghe hát những bài hát này. Nếu trước năm 1975, từ thành thị đến thôn quê ai cũng biết “Chuyện Tình Lan và Điệp”, “Hai Mùa Mưa”, “Gõ Cửa”, “Căn Nhà Ngoại Ô”... thì sau này, khi những băng nhạc tape được lén lút chuyển về nước, những bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng vừa sáng tác ở hải ngoại lại được mọi người yêu chuộng khắp nơi. Bây giờ không phải chỉ ở những bến xe đò, bến phà, trên xe khách xuyên qua từng tỉnh, những người ăn xin, hát dạo, quán nhậu lề đường... khắp từ Nam ra Bắc. Những chiếc xe bán kẹo kéo, cà rem len lỏi khắp các con hẻm nhỏ, trên xe lúc nào cũng có một máy cassette hát vang “anh rót cho khéo nhé, kẻo nhầm vào nhà tôi... nhà tôi ở cuối chân đồi...” với Mạnh Đình hay Tuấn Vũ. Ở hải ngoại thì đi đám cưới, đám tiệc nào cũng có người tình nguyện giúp vui bằng “Chuyện Hoa Sim” hay “Chuyện Giàn Thiên Lý”... Điều này chứng tỏ sự phổ thông trong đại chúng của dòng nhạc Lê Minh Bằng trước kia (và Anh Bằng sau này) rộng lớn như thế nào. Cũng vì vậy, nên chương trình Asia 52 này không thể nào thiếu được Liên Khúc phổ từ thơ của ba thi sĩ lừng danh Hữu Loan, Yên Thao và Kiên Giang. Những video-clip do Trịnh Hội về VN gần một tháng trời thu được và soạn lại là những phút thật vô cùng quý báu. Khán giả được dịp thấy tận mắt những hình ảnh và tiếng nói của ba nhà thơ trong nước.
     Liên Khúc phổ thơ này do năm tiếng hát được ưa chuộng nhất hiện nay của Trung Tâm Asia (theo những ý kiến đóng góp từ các diễn đàn khác nhau trên internet) là Băng Tâm, Y Phụng, Ngọc Huyền, Đặng Thế Luân, Mạnh Đình cùng nhau trình bày. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi ca sĩ có một giọng riêng biệt và lối diễn tả khác nhau làm cho Liên Khúc về ba loại hoa là hoa sim, hoa thiên lý, hoa trắng làm thành một tiết mục thật đặc sắc ở chương trình này. Thật xứng đáng để vinh danh cho nhạc sĩ Anh Bằng với những thành công từ 30 năm nay ở hải ngoại trong việc sáng tác và sự phổ thông của những bài hát này. Việc kết hợp của năm tiếng hát trẻ ở đây cũng tạo nên một sự thích thú cho khán giả. Các nữ ca sĩ này cũng mặc những chiếc áo hở cổ được thiết kế rất đẹp và rất phù hợp với áng sáng của sân khấu, làm tăng thêm nét trẻ trung và quyến rũ. Cảm động nhứt là cảnh ba thiếu nữ cùng đứng sát bên nhau và hát “Ôi.. lấy chồng chiến binh... lấy chồng thời chiến chinh... mấy người đi trở lại...?”. Và câu hát của Mạnh Đình “Tại sao nàng vẫn yêu màu tím...? Màu buồn tan tác phải không em?”. Cảnh Băng Tâm đứng một mình giữa sân khấu rộng mênh mông, như một chiều ở đồi sim hoang vắng, trong khi bốn người kia tạo thành hai cặp cũng là một cảnh rất đẹp của bài hát này. Đây là một tiết mục rất thành công và nhiều ý nghĩa.
     Ở tuổi đời hơn 80 nhưng thần trí vẫn còn sáng suốt và khỏe mạnh, sau ca khúc “Truyện Kiều” dành riêng cho tiếng hát Băng Tâm ở chương trình Asia 47, một lần nữa nhạc sĩ Anh Bằng đã dành riêng ca khúc “Khóc Mẹ Đêm Mưa” vừa sáng tác cho tiếng hát trẻ Đặng Thế Luân ở chương trình Asia 52 này. Như lời tâm sự của ông trong đoạn video-clip ngắn, nhạc sĩ Anh Bằng cho biết ông mất mẹ từ năm 14 tuổi, nhưng giờ đây khi tuổi đời càng cao thì ông càng thấm thía tình mẫu tử. Ông viết bài hát này sau nhiều đêm thao thức, với những lời ca đầy tiếc thương, ray rứt: "Có những lần con khóc giữa đêm mưa. Khi hình Mẹ hiện về năm khói lửa. Giặc đêm đêm về quê ta vây khốn. Bắt cha đi - Mẹ khóc suốt đêm buồn... Ôi thương Mẹ vất vả sống nuôi con. Đi vội về sợ con thơ ngóng chờ. Nhưng Mẹ đi không bao giờ về nữa. Ngã trên đường, tức tửi chết trong mưa... Mẹ ơi, Mẹ ơi, tan chiêm bao nước mắt thành dòng. Con gọi Mẹ một mình trong đêm vắng. Mẹ ơi, Mẹ ơi, có nghe chăng lời con vang vọng. Tới mộ phần trên vuông đất quê hương.".
     Bài hát này được hòa âm bởi nhạc sĩ Bảo Chấn, với sự phụ giúp của Trúc Sinh và Ngọc Lễ. Đặng Thế Luân diễn tả ca khúc này thật cảm động qua nét mặt khá đau khổ của anh và từng lời ca như nức nở, nghẹn ngào. Nếu trước kia Mạnh Đình đã nổi danh với “Chuyện Giàn Thiên Lý” thì bây giờ có thể tiên đoán Đặng Thế Luân sẽ rất thành công với sáng tác mới viết riêng cho anh là “Khóc Mẹ Đêm Mưa”: Con lang thang giữa đời quạnh hiu quá. Đâu cũng sống nhưng không đâu là nhà. Còn quê Mẹ... xa nửa vòng thế giới. Con không về... từ ngày Mẹ ra đi... Đêm tha hương, con gục đầu tưởng nhớ. Trên đời này... Mẹ con không gặp nữa. Trên đời này... không bao giờ gặp nữa. Mẹ ơi Mẹ... con khóc giữa đêm mưa."
     Từ nhiều năm nay, hai ca sĩ tuy không có bà con gì với nhau là Lâm Nhật Tiến và Lâm Thúy Vân của Trung Tâm Asia càng ngày càng chứng tỏ tài nghệ của họ vẫn luôn vững vàng và xuất sắc qua hai bài hát “Những Nấm Mồ Hoang” và “Trở Về Cát Bụi” trước khi kết thúc chương trình vinh danh Lê Minh Bằng hôm nay. Ít có ai biết được “Những Nấm Mồ Hoang” là một trong những bài hát sau cùng của nhạc sĩ Minh Kỳ và vài tháng sau khi viết bài đó thì ông cũng “trở về cát bụi” chia tay hai người bạn đồng hành trên bước đường nghệ thuật. Những chia sẻ của thân nhân nhạc sĩ Minh Kỳ và những lời tâm sự của hai nhạc sĩ Anh Bằng, Lê Dinh đã khiến cho chương trình Asia 52 mang một ý nghĩa vô cùng to lớn và xứng đáng để được giữ gìn.
     Một tiết mục khác không thể thiếu trong chương trình này là hài kịch của Quang Minh-Hồng Đào. Tuy nội dung vở kịch “Nắng Hoàng Hôn” này không liên hệ trực tiếp với chủ đề Lê Minh Bằng, nhưng những tình tiết, đối thoại và diễn xuất của cặp nghệ sĩ này cũng rất thành công và đem lại những nụ cười cho khán giả giải trí để thay đổi không khí. Mọi người chú ý tới diễn viên trẻ tuổi Johnathan Phan rất có khiếu diễn xuất và rất thành công trong vài trò của một thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra ở Mỹ đang sống chung với lớp ông bà cao niên. Những đặc trưng và đặc sản của xứ Huế qua món ăn và giọng nói của Hồng Đào mang đến qua vở kịch này một chút hoài niệm về quê hương cũng là một thành công khác. Đó cũng là một cách gián tiếp góp phần vào chủ đề sáng tác nhạc quê hương của nhóm Lê Minh Bằng. Tuy nhiên, trong một màn kịch dài đúng 20 phút như vậy, màn mở đầu của Quang Minh và Johnathan chiếm gần 5 phút thì hơi dài và diễn biến hơi chậm, không được dồn dập và thay đổi liên tục để chọc cười khán giả làm cho không khí đại nhạc hội sôi nổi hơn. Nhưng khi thong thả xem DVD này ở nhà thì màn kịch này rất hợp lý và thành công.
     Những khách mời danh dự, các MC và những video-clip quý giá: Một nét đặc sắc khác của chương trình Asia mà ai cũng đều nhận thấy được là các MC hướng dẫn chưong trình được thay đổi và sắp xếp xen kẽ nhau với những ca sĩ trình diễn trong chương trình. Ngoài bốn MC chuyên nghiệp và chính yếu của Asia như Nam Lộc, Việt Dzũng, Trịnh Hội, Leyna Nguyễn còn có những mẫu đối thoại thật linh động, duyên dáng và nhiều kỷ niệm, giai thoại thật đặc biệt của các nghệ sĩ khác góp phần làm cho chương trình liên tục hấp dẫn người xem. Điểm nổi bật khác là những đoạn video clip thật quý giá của Trịnh Hội từ phương xa mang về.
     Xuất hiện vào những phút chót của chương trình là hai nhạc sĩ Lê Dinh và Anh Bằng bên dưới chân dung của nhạc sĩ Minh Kỳ là những phút cảm động nhứt. Đó cũng là điều mong đợi của khán giả trong suốt chương trình, nên đây là sự sắp xếp chương trình rất hấp dẫn để vinh danh cho ba nhạc sĩ. Tại vì, nếu làm những màn phỏng vấn xen kẽ ở giữa chương trình thì sẽ bớt phần trang trọng của sự vinh danh. Cũng không cần phải kể lể dài dòng cuộc đời sự nghiệp của từng người mà để cho rải rác khắp chương trình mỗi lần một ít tài liệu, video clip minh họa làm cho DVD linh động và lôi cuốn người xem nhiều hơn. Đó là điểm thành công của đạo diễn và nhóm thực hiện chương trình của Asia: luôn luôn tạo bất ngờ và lôi cuốn ở từng tiết mục khác nhau.
     Nhận xét cuối cùng về cuồn Asia 52 “Huyền Thoại Lê Minh Bằng”: Khi xem một chương trình ca nhạc, khán giả thường chú ý nhất vào sự sắp xếp các ca sĩ trình bày chung với nhau ở từng tiết mục. Với một chương trình đồ sộ bao gồm 50 ca sĩ tham gia thì không thể nào sắp đặt được cho từng người đơn ca hay song ca. Khán giả thì luôn luôn muốn xem từng ca sĩ hát thật nhiều. Nhưng ở chương trình này, sự sắp xếp các ca sĩ có được hợp lý hay không? Theo nhận xét khách quan của nhiều người thì ở Asia 52 này, sự sắp xếp có phần thay đổi và linh động hơn so với các chương trình trước kia. Nghĩa là hai thế hệ cựu và kim không hát song ca nhiều lắm. Những ca sĩ cùng lớp tuổi với nhau được hát chung nhiều hơn như nhóm Asia 4 và Ánh Minh, bài hát “Anh Cứ Hẹn” với Thùy Hương, Cardin, Trish, Dạ Nhật Yến hoặc Liên Khúc “chuyện ba loài hoa” với năm ca sĩ trẻ. Đó là những sự sắp xếp rất hợp lý cho một chương trình chuyên hát những tình khúc của Lê Minh Bằng.
     Lược qua tất cả các tiết mục của Asia 52 kỳ này, có thể nói đây là một tác phẩm rất tuyệt vời và vô cùng giá trị của Trung Tâm Asia, xứng đáng để mọi người lưu giữ trong bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật của nền âm nhạc Việt Nam. Bỏ qua những khuyết điểm nhỏ của những chuyên viên kỹ thuật khi soạn phần edit (cắt ráp) thì phần âm thanh và chất lượng hình ảnh rất đẹp và đáng đồng tiền mà mọi người bỏ ra khi mua những băng chính gốc để làm quà tặng nhau hay gìn giữ để thưởng thức trong những ngày tháng lưu vong nơi xứ người.
     Sau chót, xin liệt kê những tiết mục đặc sắc nhất trong chương trình này như sau (dựa theo cách dàn dựng hoạt cảnh, hòa âm, ánh sáng và sự trình diễn của các ca sĩ và vũ công):
     01). Liên khúc Đêm Nguyện Cầu, Nó, Một Ông Già + bài hát cuối Đêm Nguyện Cầu.
     02). Nha Trang (với Hà Thanh mà thôi).
     03). Mưa Trên Phố Huế (Ngọc Hạ).
     04). Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không? (Diễm Liên, Nguyên Khang).
     05). Lần Đầu Cũng Là Lần Cuối (Y Phương, Don Hồ).
     06). Những Nấm Mồ Hoang và Trở Về Cát Bụi (Lâm Nhật Tiến, Lâm Thúy Vân).
     07). Liên Khúc: Chuyện Hoa Sim, Chuyện Giàn Thiên Lý, Chuyện Tình Hoa Trắng (5 ca sĩ Ngọc Huyền, Y Phụng, Băng Tâm, Mạnh Đình, Đặng Thế Luân).
     08). Đám Cưới Nhà Binh (Ánh Minh + Asia 4).
     09). Hai Mùa Mưa (Băng Tâm).
     10). Khóc Mẹ Đêm Mưa (Đặng Thế Luân).



Duy Khiêm, 11-2006


Mục Lục | | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com